HOÀNG DƯƠNG XIN ĐĂNG RA ĐÂY NỘI DUNG 2 BÀI THƠ VỪA ĐƯỢC IN TRÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI ĐỂ BẠN BÈ TIỆN ĐỌC VÀ CHIA SẺ:
Người lính và những khắc khoải trong thơ
Đề tài người lính, chiến tranh luôn là đề tài lớn, là nguồn cảm hứng lớn đối với người cầm
bút. Đặc biệt, với những người viết bước ra từ chiến tranh, thì đây không đơn giản chỉ là đề tài để viết. Nhà thơ Hoàng Dương, người cựu chiến binh, người thương binh, đã xem đề tài người lính, chiến tranh chính là những nỗi niềm sâu nặng trong cuộc đời cầm bút của mình. Tập thơ Khoảnh khắc và mãi mãi (NXB Hội Nhà văn, 2019) là nơi ông lưu giữ những câu thơ như thế.
Có lẽ, điều trăn trở, day dứt lớn nhất trong cuộc đời Hoàng Dương cũng như trong đời thơ
ông là khi những đồng đội của mình đã ngã xuống mà tên tuổi vẫn còn lẫn vào đâu đó trong thẳm xanh vô tận. Đồng đội còn đâu đó lang thang/ Không dòng tên, địa chỉ/ Tìm, tìm mãi một nơi yên nghỉ/ Quê nhà xa chẳng biết mà về. Những câu thơ được viết trong nỗi buồn vô hạn, khi ông trở vào thành cổ Quảng Trị thắp hương tri ân những anh hùng liệt sĩ trong dịp 27/7, những ngôi mộ khuyết danh làm nhà thơ khắc khoải không nguôi. Mỗi người lính ra đi mang theo một cuộc đời, một số phận, số phận của họ lại gắn với bao nhiêu số phận khác: Nay trong gió, trong cỏ anh có nghe/ Quê hương tha thiết đợi anh về/ Dòng tên anh được viết bằng nước mắt/ Lăn trên má mẹ già/ Thấm ướt gối người yêu. Sự hi sinh của mỗi người lính đã là những mất mát khôn tả, nhưng khi các anh còn chưa được trở về quê quán, thì sự hao khuyết lại nhân lên với người ở lại. Hoàng Dương bằng cảm xúc chân thực nhất của một người lính đã có những câu thơ lay động người đọc. Hình ảnh dòng tên liệt sĩ được viết bằng dòng nước mắt của người mẹ, người yêu đã trở thành hình ảnh đáng nhớ trong thơ Hoàng Dương.
Mỗi vùng đất sau này nhà thơ trở lại đều gợi nhớ về thuở xưa. Và cuộc đời ông như một chuyến đi dài, mà xuyên suốt hành trình là để gặp lại đồng đội, cho dẫu chỉ là trong tâm thức, trong nỗi nhớ. Sông Hương ơi/ Ta lại về/ Đồng đội vẫn nằm đây/ Trận đánh trên sông loang đến tận bây giờ. Trên sông Hương trong một trận đánh ác liệt đã cướp đi của ông những người đồng đội, vòng loang trên sông năm đó như còn loang đến tận bây giờ. Đó là vòng loang của nỗi đau, vòng loang của sự tưởng nhớ, vòng loang của lịch sử. Với những câu thơ đầy cảm giác như thế, Hoàng Dương đã cho ta thấy một tâm hồn nhạy cảm, một khả năng biểu đạt ngôn ngữ tinh tế, cô đọng.
Tố chất người lính in đậm trong con người, trong ngòi bút Hoàng Dương bởi ông là “con nhà
nòi”, cha ông cũng từng là một người lính. Đè xuống lưng cha, chiến tranh, bão tố/ Người đổ máu cho đời xanh lại. Trong niềm tự hào vẫn có cả xót xa, đó là điều không tránh khỏi khi sự trường tồn của dân tộc ta đã gắn liền với biết bao cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tiếp nối bước chân cha, Hoàng Dương khoác ba lô lên đường khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất. Những chuyến tàu trong đời anh chờ tới/ Đất nước xanh hơn sau mỗi cuộc chia li/ Anh đi qua bao núi rừng/ Mà cánh võng luôn chao về một phía. Hình ảnh màu xanh lặp lại như một truyền thống, như sự tiếp nối không mỏi của những thế hệ người lính. Vẫn biết sẽ chia li nhưng điều đó không làm họ nản chí, bởi sự chia li ấy làm cho đất nước mình xanh hơn. Màu xanh chính là sự sống, là tự do, độc lập. Đồng thời nói về sự hiến dâng thầm lặng ấy, nhà thơ cũng ca ngợi sự
thuỷ chung, son sắt của người lính. Mà cánh võng luôn chao về một phía là câu thơ hay, giàu tính liên tưởng của Hoàng Dương. Những người lính chọn đời trận mạc/ Mang trong mình bóng dáng dòng sông/ Êm đềm chảy qua đạn bom khói lửa/ Phía cuối dòng ngưng một tình yêu. Không lặp lại mô-típ của nhiều bài thơ khác mà ta vẫn gặp đâu đó khi viết về hậu phương - tiền tuyến. Hoàng Dương đã
hình tượng hoá tình yêu thời chiến thành hình ảnh dòng sông trong tâm tưởng mỗi người. Điều đó làm cho thơ ông trở nên gợi và lan toả hơn khi đã chạm sâu vào tâm thức người đọc.
Nhà thơ, người lính Hoàng Dương sinh năm 1947 tại Ninh Bình. Trước thi tập Khoảnh khắc và mãi mãi ông đã in Duyên thầm (NXB Hội Nhà văn, 2009), Có tình ta trong đó (NXB Hội Nhà văn, 2013). Ở tập thơ thứ ba này Hoàng Dương đã cho thấy bút pháp hiện thực với những câu chuyện có thực mang đầy dấu ấn của cuộc đời ông. Ở đó, những khắc khoải của người lính được khắc hoạ để bạn đọc hôm nay có thêm nhiều thấu hiểu và sẻ chia.
HOÀI PHƯƠNG