Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI SỐ ĐẶC BIỆT 27/7 - KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

MƯA ĐÊM HÀ NỘI 


Mưa đêm gọi cửa

quen thuộc như bạn cũ về thăm

lính trận nghe mưa khó ngủ

ngoài kia phố đã bớt đèn


Phượng già bên hồ Hoàn Kiếm

khắc tên Kiên, Hậu, Dương, Hùng

lứa mình lên đường ngày ấy

những cánh hoa đốt cháy cả mùa hè


Qua một mùa mưa Quảng Trị

những học trò thành lính trận cừ khôi

mỗi trận đánh lại vơi dần đồng đội

tìm nhau trong mưa xối cổ thành


Nhớ Hà Nội đêm nào cũng nhắc

bao con đường sấu rụng, hoa bay

điểm cuối cùng luôn là hồ Hoàn Kiếm

vắng chúng ta ai huyên náo nơi này?


Kiên, Hùng, Hậu bây giờ có thấy

tên chúng mày khắc lên cả non sông

tao trở về gốc phượng xưa gặp lại

những cái tên thầm lặng sáng bên hồ


Mưa Hà Nội đêm nay êm dịu

phải chúng mày về trò chuyện đấy không?




CÚC PHƯƠNG


Về quê mẹ trong chiều bạc tóc

gặp Cúc Phương xanh đến thắt lòng

ngày thơ ấu lên rừng nhặt củi

kịp ươm trong lòng những mầm cây


Mang mang trang sử

ai lớn lên cũng man mác chuyện xưa

cũng tự hào đất cờ lau bất khuất

ba triều vua còn lưu dấu Cố đô


Cúc Phương đứng giữa đất trời

bền bỉ bám những trang đời mà xanh


Nhớ thuở theo dấu Đinh Bộ Lĩnh

bày trò trận giả dưới tán cây

rừng thấu hiểu giấc mơ bao đứa trẻ

nên bao dung cả những trò chơi


Rồi khôn lớn vào sinh ra tử

không mơ làm vua, chỉ mong ước thanh bình

hết chiến chinh trở về quê mẹ

bên tán rừng bình dị một đời cây. 

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

TẢN VĂN CỦA HOÀNG DƯƠNG ĐÃ ĐĂNG TRÊN ĐẶC SAN VĂN HÓA QUÂN SỰ CỦA TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ - QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 

Hà Nội phía ta mơ

Đã qua hết những ngày mưa dài và ẩm của tiết xuân, hạ chớm bừng lên trong sắc vàng của nắng, sắc xanh của cây và những hân hoan, tươi mới của lòng người. Hà Nội say đắm trong một vẻ trữ tình thầm kín, Hà Nội cũng sôi động trong những thanh âm và dáng vẻ của đời sống hiện đại. Nhưng còn những điều mà Hà Nội cất giữ sâu trong lớp vỏ ồn ào của đô thị, phía sau những điều mà ta có thể quan sát bằng mắt thường, đó là những vỉa tầng sâu lắng của văn hoá và lịch sử. Điều này làm nên vẻ đẹp đằm sâu, bền bỉ cho xứ kinh kỳ.
Hà Nội luôn nhắc ta về lịch sử bằng sự trầm mặc thiêng liêng. Mỗi khi đi qua những di di tích như Cửa Bắc, Hoàng thành Thăng Long, đài tưởng niệm ở phố Khâm Thiên… thì cảm giác ấy lại càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Thâm trầm ấy đến từ đâu, khí thiêng ấy đến từ đâu? Năm tháng có thể làm dày lên và hoá thiêng lịch sử không? Thực tế đơn giản và gần gũi hơn mọi câu hỏi khái quát rất nhiều. Mỗi người đều giữ trong mình một sự thành kính trước cha ông, mỗi người đều thành tâm khi đứng trước nơi cha ông ngã xuống để bảo vệ dân tộc thì tự khắc thế hệ này qua thế hệ khác, sự thiêng liêng ấy sẽ càng được tôn lên. Một phần sinh khí và không khí ở Hà Nội được tạo nên từ chính yếu tố này. Dù đời sống có phát triển hiện đại và xã hội có thay đổi đến mức ta cảm giác như mọi khoảng trống của thành phố không còn nữa thì “Hà Nội linh thiêng hào hoa” vẫn là một khoảng riêng mà không một sự thay đổi nào có thể đánh mất hay làm mờ đi.
Cũng theo thời gian, những nếp sống, những thói quen, những quan niệm dần được bồi đắp và trở thành văn hoá truyền thống của Hà thành. Xứ này luôn có một phong vị riêng và hết sức tinh tế trong từng nếp ăn, nếp nghĩ, thú chơi… Những ngày đầu hạ như thế này, người ta không thể không nghĩ đến những bông sen thanh sạch, khiêm nhường nhưng cũng kiêu hãnh, bình dân nhưng cũng cao quý. Sen được người bán hoa thức dậy lúc tinh mơ chở từ mạn Tây Hồ vào phố. Các bà các cô dù đi chợ hay đi làm cũng không quên ghé lại, lựa cho mình những bó hoa thơm ngát thật ưng ý để mang về cắm. Dẫu mỗi người mỗi cách nhưng sen cứ thế mà thơm lên dìu dặt, thơm trong cách ủ nhuỵ, thơm trong cả từng khoảnh khắc xoè ra, thơm cả sang bàn tay người đang cắm, thơm ngay cả khi cánh đã tàn rụng. Và cho dẫu bằng lăng đã nở tím trời, phượng vĩ cháy ngàn đốm lửa, Hà Nội có trăm ngàn sắc hoa, thì sen vẫn cứ làm nên một Hà Nội của riêng mình. Hà Nội của sen là một Hà Nội tĩnh lặng, thanh tao, lắng đọng.
Đâu phải ngẫu nhiên mà Hà Nội là nơi đến của rất nhiều người. Có người đến vì muốn chạm mặt Thủ đô, muốn khám phá diện mạo của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Không ít người chọn đến và ở lại với Hà Nội, gắn bó máu thịt như quê hương của chính mình vì những điều rất cụ thể như học tập, công việc, sự nghiệp… Nhưng chắc chắn, đan cài trong đó cũng là những lí do rất “không cụ thể” nhưng lại góp phần quan trọng vào quyết định của mỗi người.
Bình yên và náo nhiệt, thật khó có mảnh đất nào hội tụ song song hai yếu tố đối lập này. Không ai có thể phủ nhận sự phát triển của một đô thị giàu tiềm năng như Hà Nội, nhưng cũng không ai có thể phủ nhận sự bình yên mà Hà Nội đem đến trong cảm giác của mỗi con người sinh sống ở nơi đây. Thành phố vẫn từng ngày thay đổi, mới mẻ hơn, hiện đại hơn, nhưng ở tầng vỉa nào đó ta lại thấy được sự lắng trầm, vang vọng của lịch sử và văn hoá truyền thống.
Lịch sử không trở lại nhưng lịch sử sẽ được nhớ mãi. Hà Nội vẫn đang khắc ghi những bài học lịch sử ấy không bằng rao giảng mà bằng sự hiện diện sống động của các di tích, các con đường, các kiến trúc… Và thực ra cũng không cần phải cụ thể như thế, bởi khi Hà Nội còn có trong giấc mơ, khát vọng của bao người, là khi nơi đây vẫn còn khí thiêng hội tụ, vẫn còn những vẻ đẹp tàng ẩn đến mai sau.
H.D


THƠ CỦA HOÀNG DƯƠNG ĐÃ ĐĂNG TRÊN ĐẶC SAN VĂN HÓA QUÂN SỰ CỦA TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ - QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM



 Mùa khô năm ấy


Giờ đây trong giấc mơ

anh còn nhớ vị trái thơm năm ấy

đã nuôi anh trót một mùa khô


Đất Quảng Ngãi bạc cằn nắng gió

đạn bom cày xám cánh đồng Bưng

những người lính đi qua cái chết

trên quê hương đau nhức vẫn ân cần


Bàn tay em gọi về hơi thở

cơn đau qua trong hương vị trái thơm

em nghiêng má dỗ dành từng giọt nước

thấm môi anh như mưa thấm đất cằn


Ngày xưa mẹ nuôi anh

bằng giọt sữa đời người tần tảo

tuổi hai mươi anh lại hồi sinh

bàn tay em vỗ về sự sống


Mùa khô ấy đi qua

anh đi hết một đời chiến trận

trở lại tìm em tìm vị trái thơm năm ấy

chỉ những cánh đồng xanh thẫm nhìn anh.





Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

CHÙM THƠ CỦA HOÀNG DƯƠNG IN TRÊN VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI SỐ ĐẶC BIỆT 30/4/2023



 Anh về tháng tư

 

Anh đã đợi bao lâu để thấy được khoảnh khắc này

anh đã thức bao đêm để thấy được ánh sáng này

anh đã nhớ bao nhiêu để chạm được hơi ấm này…

 

Những viên sỏi đầu tiên nhận ra anh

bằng bước chân thấp thỏm

sỏi lao xao như tiếng cười con trẻ

mười năm em ru trong mơ

 

Trập trùng tiếng súng

gập ghềnh Trường Sơn

anh vẫn nghe nao nao tiếng hát

trang thư giấu điều em khao khát

giữ cho anh ngọn lửa cuối cùng

 

Anh đã đến Sài Gòn

những đại lộ bàng hoàng thức dậy

những thiếu nữ giấu nụ cười vào nắng

những người lính giấu rộn ràng trong ngực

tháng tư chầm chậm, tháng tư vội vàng

 

Tháng tư là dấu gạch ngang

cho đất nước, hay cho chúng mình anh chẳng rõ

điều thực nhất - tháng tư là chiếc cầu nhỏ

đưa anh về bên em

 

Cót két cổng tre

gió đùa như trẻ

tay anh chạm khẽ

nắng ấm ùa về…

 

 

Hà Nội những đêm

Tặng một nhà thơ, một người lính Hà Nội

 

Người lính men theo vỉa hè men theo kí ức

thời gian trôi dưới những mái hiên

anh nhớ ngày thủ đô kháng chiến

những pháo đài chầm chậm lướt qua

bóng cờ đỏ bay trên tóc bạc

 

Đêm Khâm Thiên lời ca nương ai oán

có đoàn người đi trong yên ắng

đi dọc đời anh

nhịp sênh phách mỏi rồi

mắt ả đào vẫn lênh đênh tìm bến

 

Hà Nội bao người yêu say

tiếng súng cũng lắng lại cho tình yêu lên tiếng

những ngõ nhỏ thầm thì ngây dại

những mối tình lấp lánh đêm đêm

 

Có bà mẹ từ vùng di tản

lúc ngưng bom vội vã tìm về

sắp lại vài đồ cho đúng chỗ

rồi lại khăn gói ra đi

gửi Hà Nội cho những người lính trẻ

 

Một chùm hoa sữa muộn

vừa hé nở trong anh

những cô gái đi vào Ngõ Chợ

còn về lại trong mơ?

 

Năm mươi năm anh vẫn là người lính

nghe Hà Nội chuyển nhịp trong tim mình.

 

 

Phù sa

 

Những khúc quanh đời anh

sông nhìn thấu cả

đời sông gấp khúc bao lần

 

Ngày ra trận sông tiễn anh xa nhất

làng khuất rồi sông vẫn bịn rịn trôi

anh ngụp lặn thêm lần trong ý nghĩ

 

Đường hành quân lấm bụi

bao con sông ngang dọc đời trai

sông quê vẫn chảy tràn kí ức

vỗ về anh lúc tiếng súng tạm yên

 

Những mùa khô Tây Nguyên

ai cũng khát một dòng sông trong ngực

có con sông khẽ khàng đánh thức

khi anh chìm sâu trong cơn sốt rét rừng

 

Anh đã đi đến trận đánh cuối cùng

để trở về nhìn sông vẫn chảy

 

Cô ấy đã sang sông

trong một chiều nước duềnh lên khóe mắt

mẹ đã về bến khác

sông thay anh làm những cuộc tiễn đưa

 

Trước khúc quanh đời mình

anh chợt thấy phù sa tràn lấp…

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

CHÙM THƠ CỦA HOÀNG DƯƠNG IN TRÊN VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI

 Ngôi sao phương nam

 

Em nhìn về phương nam

mỗi lần nghe tin chiến thắng

anh ở đâu mà đêm nào ngôi sao phương nam cũng sáng

 

Thư anh chiến dịch còn dài

mỗi ngày anh gần Sài Gòn hơn một chút

Sài Gòn cách quê mình hai ngàn cây số

mà mỗi ngày anh như gần lại với quê hương

hôm qua Minh đã ở lại

với Tây Nguyên đất đỏ nghĩa tình

Lân và Hải anh chưa tìm thấy

ngày lên đường bốn đứa… chỉ còn anh

 

Em nhìn về phương nam

tháng tư vàng trong nỗi nhớ

Trường Sơn máu anh đã đổ

nắng Sài Gòn có xoa dịu vết thương?

 

Ba người bạn gái của em

bóng mỗi ngày một nhỏ

bao đêm rồi còn lại em ngồi ngóng

ngôi sao phương nam ở trong lòng.

 


 

Tìm em biên giới

 

Anh không thấy những đỉnh núi

chỉ thấy em

 

Em cầm ô che mưa

tiễn anh trên đèo vắng

em hé cười thầm lặng

giữa núi rừng mênh mông

 

Hoa biên giới chia đôi

dòng sông trôi lặng lẽ

 

Chiến tranh đã qua đi

anh đi tìm tìm mãi

bóng hình em để lại

đã trao nhau gì đâu

 

Đêm nay anh trở lại

biên giới ngời ngợi trăng

 

Trăng lung linh đáy nước

cá quẫy loang ánh vàng

như giọt sương chạm má

chạm em miền xa xăm...

 

Chiến tranh đã đi qua rồi

tiếng đạn bom cũng không còn vọng lại

chỉ có vết thương còn đấy

đất nước bình yên anh vẫn còn đau...

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

THƠ IN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI VÀ BÁO HÀ NỘI MỚI

 HOÀNG DƯƠNG XIN ĐĂNG RA ĐÂY NỘI DUNG 2 BÀI THƠ VỪA ĐƯỢC IN TRÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI ĐỂ BẠN BÈ TIỆN ĐỌC VÀ CHIA SẺ:

𝑽𝒊𝒆̂́𝒕 𝒗𝒆̂̀ 𝒄𝒉𝒂
Con vô tình khắc vào trán cha
những nếp nhăn lầm lỗi
nước đi không chảy về nguồn
Đè xuống lưng cha chiến tranh, bão tố
người đổ máu cho đời xanh lại
lịch sử còn giữ dấu chân
Chiến tranh đã qua lâu rồi
cha can trung giữa trận đời trăm nỗi
xưa cầm súng người chỉ nhìn một hướng
nay vì con cha nênh nổi bao phương
Những nếp nhăn con làm sao xoá được
nước xa đau nỗi cạn nguồn
cha đi để hoàng hôn bạc tóc
Cánh đồng người chưa thu hái
quả ngọt còn ở trên cao
hoa ở đó để hương bay khắp.
𝑫𝒐̀𝒏𝒈 𝒔𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒓𝒐𝒏𝒈 𝒂𝒏𝒉
Sông trôi đi, dòng Đáy êm trong
sông nhỏ lại hai bờ kỉ niệm
chuyện tình xưa không nói cứ lặng im
Ngày anh đi sông duềnh lên bãi vắng
con đò mắc cạn bến em
chuyện chiến chinh… anh nói rồi bỏ ngỏ
bên sông tàu sắp rời ga
Những chuyến tàu trong đời anh chờ tới
đất nước xanh hơn sau mỗi cuộc chia li
Anh đi qua bao núi rừng
mà cánh võng luôn chao về một phía
Sông Đáy mùa nước cạn
em lênh đênh ở phía bến chờ
Những người lính chọn đời trận mạc
mang trong mình bóng dáng dòng sông
êm đềm chảy qua đạn bom khói lửa
tình yêu ngưng ở phía cuối dòng.



BÁO HÀ NỘI MỚI GIỚI THIỆU CHÂN DUNG THƠ HOÀNG DƯƠNG:

Người lính và những khắc khoải trong thơ

Đề tài người lính, chiến tranh luôn là đề tài lớn, là nguồn cảm hứng lớn đối với người cầm bút. Đặc biệt, với những người viết bước ra từ chiến tranh, thì đây không đơn giản chỉ là đề tài để viết. Nhà thơ Hoàng Dương, người cựu chiến binh, người thương binh, đã xem đề tài người lính, chiến tranh chính là những nỗi niềm sâu nặng trong cuộc đời cầm bút của mình. Tập thơ Khoảnh khắc và mãi mãi (NXB Hội Nhà văn, 2019) là nơi ông lưu giữ những câu thơ như thế.

Có lẽ, điều trăn trở, day dứt lớn nhất trong cuộc đời Hoàng Dương cũng như trong đời thơ ông là khi những đồng đội của mình đã ngã xuống mà tên tuổi vẫn còn lẫn vào đâu đó trong thẳm xanh vô tận. Đồng đội còn đâu đó lang thang/ Không dòng tên, địa chỉ/ Tìm, tìm mãi một nơi yên nghỉ/ Quê nhà xa chẳng biết mà về. Những câu thơ được viết trong nỗi buồn vô hạn, khi ông trở vào thành cổ Quảng Trị thắp hương tri ân những anh hùng liệt sĩ trong dịp 27/7, những ngôi mộ khuyết danh làm nhà thơ khắc khoải không nguôi. Mỗi người lính ra đi mang theo một cuộc đời, một số phận, số phận của họ lại gắn với bao nhiêu số phận khác: Nay trong gió, trong cỏ anh có nghe/ Quê hương tha thiết đợi anh về/ Dòng tên anh được viết bằng nước mắt/ Lăn trên má mẹ già/ Thấm ướt gối người yêu. Sự hi sinh của mỗi người lính đã là những mất mát khôn tả, nhưng khi các anh còn chưa được trở về quê quán, thì sự hao khuyết lại nhân lên với người ở lại. Hoàng Dương bằng cảm xúc chân thực nhất của một người lính đã có những câu thơ lay động người đọc. Hình ảnh dòng tên liệt sĩ được viết bằng dòng nước mắt của người mẹ, người yêu đã trở thành hình ảnh đáng nhớ trong thơ Hoàng Dương.

Mỗi vùng đất sau này nhà thơ trở lại đều gợi nhớ về thuở xưa. Và cuộc đời ông như một chuyến đi dài, mà xuyên suốt hành trình là để gặp lại đồng đội, cho dẫu chỉ là trong tâm thức, trong nỗi nhớ. Sông Hương ơi/ Ta lại về/ Đồng đội vẫn nằm đây/ Trận đánh trên sông loang đến tận bây giờ. Trên sông Hương trong một trận đánh ác liệt đã cướp đi của ông những người đồng đội, vòng loang trên sông năm đó như còn loang đến tận bây giờ. Đó là vòng loang của nỗi đau, vòng loang của sự tưởng nhớ, vòng loang của lịch sử. Với những câu thơ đầy cảm giác như thế, Hoàng Dương đã cho ta thấy một tâm hồn nhạy cảm, một khả năng biểu đạt ngôn ngữ tinh tế, cô đọng.

Tố chất người lính in đậm trong con người, trong ngòi bút Hoàng Dương bởi ông là “con nhà nòi”, cha ông cũng từng là một người lính. Đè xuống lưng cha, chiến tranh, bão tố/ Người đổ máu cho đời xanh lại. Trong niềm tự hào vẫn có cả xót xa, đó là điều không tránh khỏi khi sự trường tồn của dân tộc ta đã gắn liền với biết bao cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tiếp nối bước chân cha, Hoàng Dương khoác ba lô lên đường khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất. Những chuyến tàu trong đời anh chờ tới/ Đất nước xanh hơn sau mỗi cuộc chia li/ Anh đi qua bao núi rừng/ Mà cánh võng luôn chao về một phía. Hình ảnh màu xanh lặp lại như một truyền thống, như sự tiếp nối không mỏi của những thế hệ người lính. Vẫn biết sẽ chia li nhưng điều đó không làm họ nản chí, bởi sự chia li ấy làm cho đất nước mình xanh hơn. Màu xanh chính là sự sống, là tự do, độc lập. Đồng thời nói về sự hiến dâng thầm lặng ấy, nhà thơ cũng ca ngợi sự thuỷ chung, son sắt của người lính. Mà cánh võng luôn chao về một phía là câu thơ hay, giàu tính liên tưởng của Hoàng Dương. Những người lính chọn đời trận mạc/ Mang trong mình bóng dáng dòng sông/ Êm đềm chảy qua đạn bom khói lửa/ Phía cuối dòng ngưng một tình yêu. Không lặp lại mô-típ của nhiều bài thơ khác mà ta vẫn gặp đâu đó khi viết về hậu phương - tiền tuyến. Hoàng Dương đã hình tượng hoá tình yêu thời chiến thành hình ảnh dòng sông trong tâm tưởng mỗi người. Điều đó làm cho thơ ông trở nên gợi và lan toả hơn khi đã chạm sâu vào tâm thức người đọc.

Nhà thơ, người lính Hoàng Dương sinh năm 1947 tại Ninh Bình. Trước thi tập Khoảnh khắc và mãi mãi ông đã in Duyên thầm (NXB Hội Nhà văn, 2009), Có tình ta trong đó (NXB Hội Nhà văn, 2013). Ở tập thơ thứ ba này Hoàng Dương đã cho thấy bút pháp hiện thực với những câu chuyện có thực mang đầy dấu ấn của cuộc đời ông. Ở đó, những khắc khoải của người lính được khắc hoạ để bạn đọc hôm nay có thêm nhiều thấu hiểu và sẻ chia.

HOÀI PHƯƠNG

 

CHÙM THƠ MỚI CỦA HOÀNG DƯƠNG

 

               

CHÁU HỎI ÔNG

 

Cháu hỏi ông tổ quốc là gì

Ông không biết nói sao hết được

Là tổ quốc non sông hùng vĩ

Là Lạc Long sinh đẻ trăm con

Là Vua Hùng đứng lên dựng nước

Là núi sông biển đảo, ngoài khơi

Là bao đời ông cha đánh giặc

Bao người con đất Việt hy sinh

Cho tổ quốc linh thiêng hùng vĩ

Giữ biển đảo, lời ru cảu mẹ !

Cho tổ quốc hùng vĩ xanh hơn

Cho cờ đỏ thẫm mầu rực lửa !

Đứng hiên ngang cờ đỏ sao vàng

Là tổ quốc, cháu ơi hãy nhớ

Nước Việt Nam, là của cháu ơi !

Và phải nhớ, muôn đời phải nhớ

Nước Việt Nam, là người Việt Nam...

 

              


 

                                                BAY LÊN

Sẽ có ngày hồn tôi bay lượn

Bỏ lại trần gian kiếp sống phù du

Ta trăng sao, hồn bay lơ lửng

Cùng với nàng tiên dạ hội bán đảo

Và chỉ có không không, sắc sắc !

Bỏ lại kiếp người, bỏ lại hết

Bỏ lại đời gian khổ lao đao

Bỏ tất cả mà ta đã có !

Ta bay lượn trời cao lộng gió

Ta hóa thành trong những vì sao.

 

 


 

TÔI BUỒN

Nhìn hoa đẹp quá tôi buồn

Tóc tôi đã ngả mầu sương mất rồi

Dở dang đứt gánh nửa dời

Nửa đời còn lại mà tôi sót lòng.

*

*                 *

Còn trẻ chiến tranh gánh gồng

Mưu sinh cuộc sống long đong hết đời

Nhìn lại mình đã già rồi

Ta về đất mẹ! Mẹ ơi con về.

Từ nay không có đam mê

Đánh đông, dẹp bắc, về quê thôi mà...

 


 
 

 

                                                     KIẾP SAU

 

Nhìn vườn đẹp quá tình mồ côi

Hoa hồng nở thắm, hoa trinh nữ

Dạ hương thơm mát, em đâu rồi !

 

Chiều đến đàn chim bay quấn quýt

Càng để cho tôi hận kiếp đời !

Cá quẫy ánh trăng tan vỡ vụn

Đời cứ như mây lững lờ trôi

Tủm tỉm tôi cười sao ngu thế ?

Kiếp sau tôi lấy Chị Hằng thôi.

 

      


 

 

                                   THẢ THÍNH

 

Hoa ơi cứ nở khổ thân tôi !

Hương thơm ngào ngạt gọi chào mời

Tình vẫn xa tôi sao không đến...

Chờ mãi, chờ hoài một đời người

       *

*              *

Thôi tình không đến ta tu vậy !

Bao giờ tình đến ta mới thôi...