Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI SỐ ĐẶC BIỆT 27/7 - KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

MƯA ĐÊM HÀ NỘI 


Mưa đêm gọi cửa

quen thuộc như bạn cũ về thăm

lính trận nghe mưa khó ngủ

ngoài kia phố đã bớt đèn


Phượng già bên hồ Hoàn Kiếm

khắc tên Kiên, Hậu, Dương, Hùng

lứa mình lên đường ngày ấy

những cánh hoa đốt cháy cả mùa hè


Qua một mùa mưa Quảng Trị

những học trò thành lính trận cừ khôi

mỗi trận đánh lại vơi dần đồng đội

tìm nhau trong mưa xối cổ thành


Nhớ Hà Nội đêm nào cũng nhắc

bao con đường sấu rụng, hoa bay

điểm cuối cùng luôn là hồ Hoàn Kiếm

vắng chúng ta ai huyên náo nơi này?


Kiên, Hùng, Hậu bây giờ có thấy

tên chúng mày khắc lên cả non sông

tao trở về gốc phượng xưa gặp lại

những cái tên thầm lặng sáng bên hồ


Mưa Hà Nội đêm nay êm dịu

phải chúng mày về trò chuyện đấy không?




CÚC PHƯƠNG


Về quê mẹ trong chiều bạc tóc

gặp Cúc Phương xanh đến thắt lòng

ngày thơ ấu lên rừng nhặt củi

kịp ươm trong lòng những mầm cây


Mang mang trang sử

ai lớn lên cũng man mác chuyện xưa

cũng tự hào đất cờ lau bất khuất

ba triều vua còn lưu dấu Cố đô


Cúc Phương đứng giữa đất trời

bền bỉ bám những trang đời mà xanh


Nhớ thuở theo dấu Đinh Bộ Lĩnh

bày trò trận giả dưới tán cây

rừng thấu hiểu giấc mơ bao đứa trẻ

nên bao dung cả những trò chơi


Rồi khôn lớn vào sinh ra tử

không mơ làm vua, chỉ mong ước thanh bình

hết chiến chinh trở về quê mẹ

bên tán rừng bình dị một đời cây. 

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

TẢN VĂN CỦA HOÀNG DƯƠNG ĐÃ ĐĂNG TRÊN ĐẶC SAN VĂN HÓA QUÂN SỰ CỦA TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ - QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 

Hà Nội phía ta mơ

Đã qua hết những ngày mưa dài và ẩm của tiết xuân, hạ chớm bừng lên trong sắc vàng của nắng, sắc xanh của cây và những hân hoan, tươi mới của lòng người. Hà Nội say đắm trong một vẻ trữ tình thầm kín, Hà Nội cũng sôi động trong những thanh âm và dáng vẻ của đời sống hiện đại. Nhưng còn những điều mà Hà Nội cất giữ sâu trong lớp vỏ ồn ào của đô thị, phía sau những điều mà ta có thể quan sát bằng mắt thường, đó là những vỉa tầng sâu lắng của văn hoá và lịch sử. Điều này làm nên vẻ đẹp đằm sâu, bền bỉ cho xứ kinh kỳ.
Hà Nội luôn nhắc ta về lịch sử bằng sự trầm mặc thiêng liêng. Mỗi khi đi qua những di di tích như Cửa Bắc, Hoàng thành Thăng Long, đài tưởng niệm ở phố Khâm Thiên… thì cảm giác ấy lại càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Thâm trầm ấy đến từ đâu, khí thiêng ấy đến từ đâu? Năm tháng có thể làm dày lên và hoá thiêng lịch sử không? Thực tế đơn giản và gần gũi hơn mọi câu hỏi khái quát rất nhiều. Mỗi người đều giữ trong mình một sự thành kính trước cha ông, mỗi người đều thành tâm khi đứng trước nơi cha ông ngã xuống để bảo vệ dân tộc thì tự khắc thế hệ này qua thế hệ khác, sự thiêng liêng ấy sẽ càng được tôn lên. Một phần sinh khí và không khí ở Hà Nội được tạo nên từ chính yếu tố này. Dù đời sống có phát triển hiện đại và xã hội có thay đổi đến mức ta cảm giác như mọi khoảng trống của thành phố không còn nữa thì “Hà Nội linh thiêng hào hoa” vẫn là một khoảng riêng mà không một sự thay đổi nào có thể đánh mất hay làm mờ đi.
Cũng theo thời gian, những nếp sống, những thói quen, những quan niệm dần được bồi đắp và trở thành văn hoá truyền thống của Hà thành. Xứ này luôn có một phong vị riêng và hết sức tinh tế trong từng nếp ăn, nếp nghĩ, thú chơi… Những ngày đầu hạ như thế này, người ta không thể không nghĩ đến những bông sen thanh sạch, khiêm nhường nhưng cũng kiêu hãnh, bình dân nhưng cũng cao quý. Sen được người bán hoa thức dậy lúc tinh mơ chở từ mạn Tây Hồ vào phố. Các bà các cô dù đi chợ hay đi làm cũng không quên ghé lại, lựa cho mình những bó hoa thơm ngát thật ưng ý để mang về cắm. Dẫu mỗi người mỗi cách nhưng sen cứ thế mà thơm lên dìu dặt, thơm trong cách ủ nhuỵ, thơm trong cả từng khoảnh khắc xoè ra, thơm cả sang bàn tay người đang cắm, thơm ngay cả khi cánh đã tàn rụng. Và cho dẫu bằng lăng đã nở tím trời, phượng vĩ cháy ngàn đốm lửa, Hà Nội có trăm ngàn sắc hoa, thì sen vẫn cứ làm nên một Hà Nội của riêng mình. Hà Nội của sen là một Hà Nội tĩnh lặng, thanh tao, lắng đọng.
Đâu phải ngẫu nhiên mà Hà Nội là nơi đến của rất nhiều người. Có người đến vì muốn chạm mặt Thủ đô, muốn khám phá diện mạo của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Không ít người chọn đến và ở lại với Hà Nội, gắn bó máu thịt như quê hương của chính mình vì những điều rất cụ thể như học tập, công việc, sự nghiệp… Nhưng chắc chắn, đan cài trong đó cũng là những lí do rất “không cụ thể” nhưng lại góp phần quan trọng vào quyết định của mỗi người.
Bình yên và náo nhiệt, thật khó có mảnh đất nào hội tụ song song hai yếu tố đối lập này. Không ai có thể phủ nhận sự phát triển của một đô thị giàu tiềm năng như Hà Nội, nhưng cũng không ai có thể phủ nhận sự bình yên mà Hà Nội đem đến trong cảm giác của mỗi con người sinh sống ở nơi đây. Thành phố vẫn từng ngày thay đổi, mới mẻ hơn, hiện đại hơn, nhưng ở tầng vỉa nào đó ta lại thấy được sự lắng trầm, vang vọng của lịch sử và văn hoá truyền thống.
Lịch sử không trở lại nhưng lịch sử sẽ được nhớ mãi. Hà Nội vẫn đang khắc ghi những bài học lịch sử ấy không bằng rao giảng mà bằng sự hiện diện sống động của các di tích, các con đường, các kiến trúc… Và thực ra cũng không cần phải cụ thể như thế, bởi khi Hà Nội còn có trong giấc mơ, khát vọng của bao người, là khi nơi đây vẫn còn khí thiêng hội tụ, vẫn còn những vẻ đẹp tàng ẩn đến mai sau.
H.D


THƠ CỦA HOÀNG DƯƠNG ĐÃ ĐĂNG TRÊN ĐẶC SAN VĂN HÓA QUÂN SỰ CỦA TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ - QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM



 Mùa khô năm ấy


Giờ đây trong giấc mơ

anh còn nhớ vị trái thơm năm ấy

đã nuôi anh trót một mùa khô


Đất Quảng Ngãi bạc cằn nắng gió

đạn bom cày xám cánh đồng Bưng

những người lính đi qua cái chết

trên quê hương đau nhức vẫn ân cần


Bàn tay em gọi về hơi thở

cơn đau qua trong hương vị trái thơm

em nghiêng má dỗ dành từng giọt nước

thấm môi anh như mưa thấm đất cằn


Ngày xưa mẹ nuôi anh

bằng giọt sữa đời người tần tảo

tuổi hai mươi anh lại hồi sinh

bàn tay em vỗ về sự sống


Mùa khô ấy đi qua

anh đi hết một đời chiến trận

trở lại tìm em tìm vị trái thơm năm ấy

chỉ những cánh đồng xanh thẫm nhìn anh.